Thiết kế Bayern (lớp thiết giáp hạm)

Bối cảnh

Những chiếc trong lớp Bayern là kết quả của Tu chính thứ tư cho Luật Hải quân Đức được thông qua vào năm 1912. Đô đốc Alfred von Tirpitz sử dụng sự phản đối của công luận trước việc Anh Quốc can dự vào vụ khủng hoảng Agadir năm 1911 để gây áp lực lên Quốc hội Đức nhằm cung cấp thêm đủ ngân sách hoạt động cho Hải quân. Luật Hải quân thứ tư cung cấp kinh phí cho việc đóng mới ba thiết giáp hạm dreadnought, hai tàu tuần dương hạng nhẹ cùng việc tăng thêm biên chế 15.000 sĩ quan và thủy thủ cho Hải quân vào năm 1912.[2] Các tàu chiến chủ lực được đặt lườn vào năm 1912 là các tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Derfflinger; ngân sách dành cho Bayern và Baden được cung cấp vào năm tiếp theo.[3][4] Ngân sách dành cho Sachsen được dự trù trong tài khóa 1914, trong khi Württemberg được cung cấp trong Dự thảo ngân sách Chiến tranh.[5] Chiếc thiết giáp hạm tiền-dreadnought sau cùng thuộc lớp Brandenburg Wörth được thay thế, cũng như các thiết giáp hạm cũ thuộc lớp Kaiser Friedrich III Kaiser Wilhelm IIKaiser Friedrich III. Baden được đặt hàng dưới cái tên tạm thời Ersatz Wörth, trong khi Württemberg như là chiếc Ersatz Kaiser Wilhelm II và Sachsen như là chiếc Ersatz Kaiser Friedrich III; Bayern được xem là một sự bổ sung mới cho hạm đội, nên được đặt hàng dưới cái tên tạm thời "T".[6][Ghi chú 1]

Thiết kế của các con tàu được vạch ra từ năm 1910 đến năm 1912.[6] Người ta cũng cân nhắc đến việc trang bị cho lớp tàu mới các tháp pháo ba nòng gắn ba khẩu pháo 30,5 cm (12,0 in) như kiểu trang bị cho lớp thiết giáp hạm König trước đó, nhưng sau khi khảo sát các tháp pháo trên những chiếc dreadnought lớp Tegetthoff của Hải quân Áo-Hung, người ta xác định các tháp pháo ba nòng vẫn còn có nhiều vấn đề. Những khiếm khuyết của nó bao gồm sự gia tăng trọng lượng, giảm số lượng đạn pháo cung cấp và giảm tốc độ bắn, cũng như mất khả năng chiến đấu chỉ với một nòng pháo bị hư hại. Vì vậy người ta quyết định trang bị các tàu chiến mới tám khẩu pháo 38 cm thay vì mười hai khẩu 30,5 cm.[1]

Các đặc tính chung

Bayern và Baden có chiều dài 179,4 m (589 ft) ở mực nước và chiều dài chung là 180 m (590 ft); Sachsen và Württemberg dài hơn đôi chút với 181,8 m (596 ft) ở mực nước và chiều dài chung là 182,4 m (598 ft). Cả bốn con tàu đều có mạn thuyền rộng 30 m (98 ft) và độ sâu của mớn nước 9,3–9,4 m (31–31 ft). Bayern và Baden được thiết kế với trọng lượng choán nước thông thường là 28.530 t (28.080 tấn Anh), nhưng tải trọng tối đa trong chiến đấu lên đến 32.200 t (31.700 tấn Anh); Sachsen và Württemberg nặng hơn đôi chút, với các trọng lượng 28.800 t (28.300 tấn Anh) và 32.500 t (32.000 tấn Anh) tương ứng. Lườn các con tàu được cấu trúc từ những khung thép ngang và dọc, trên đó các tấm thép thân tàu được ghép lên bằng đinh tán. Lườn tàu có tất cả 17 ngăn kín nước, lớp đáy kép chiếm 88% chiều dài lườn tàu.[6]

Bayern và Baden được nội bộ Hải quân Đức đánh giá là những con tàu đi biển tốt, ổn định và rất dễ xoay trở. Chúng chịu đựng sự mất tốc độ đôi chút khi biển động, và khi bẻ bánh lái gắt, các con tàu mất cho đến 62% tốc độ và nghiêng trên 7°. Với chiều cao khuynh tâm[Ghi chú 2] lên đến 2,53 m (8,3 ft),[7] lớn hơn so với các đối thủ Anh Quốc đương thời, Bayern cùng với tàu chị em được xem là những bệ pháo vững vàng đối với vùng biển giới hạn của Bắc Hải.[8]

Những chiếc trong lớp Bayern có một thủy thủ đoàn tiêu chuẩn bao gồm 42 sĩ quan và 1.129 thủy thủ; khi phục vụ trong vai trò soái hạm của hải đội, chúng cần thêm 14 sĩ quan và 86 thủy thủ bổ sung. Các con tàu mang theo nhiều xuồng nhỏ, bao gồm một xuồng gác, ba xuồng chỉ huy, hai xuồng đổ bộ, hai xuồng yawl và hai xuồng nhỏ.[7]

Động lực

Bayern và Baden được trang bị 11 nồi hơi Schulz-Thornycroft đốt than và ba nồi hơi Schulz-Thornycroft đốt dầu. Ba bộ turbine hơi nước dẫn động ba chân vịt ba cánh có đường kính 3,87 mét (12,7 ft). Hệ thống động lực của Bayern và Baden được thiết kế để tạo ra công suất 35.000 mã lực càng (26.000 kW) ở tốc độ vòng quay 265 vòng/phút; nhưng khi chạy thử máy, các con tàu đạt đến 55.967 shp (41.735 kW) và 56.275 shp (41.964 kW) tương ứng. Cả hai có thể đạt được tốc độ tối đa 22 hải lý trên giờ (41 km/h; 25 mph). Thoạt tiên chúng dự định mang theo 900 t (890 tấn Anh) than và 200 t (200 tấn Anh) dầu, nhưng sau đó chỗ trống dành chứa nhiên liệu được tăng lên to 3.400 t (3.300 tấn Anh) than và 620 t (610 tấn Anh) dầu, cho phép có được tầm xa hoạt động 5.000 hải lý (9.300 km; 5.800 dặm) ở tốc độ đi đường trường 12 kn (22 km/h; 14 mph). Ở tốc độ 15 kn (28 km/h; 17 mph), tầm hoạt động giảm còn 4.485 nmi (8.306 km; 5.161 dặm), 3.740 nmi (6.930 km; 4.300 dặm) ở tốc độ 17 kn (31 km/h; 20 mph), và nếu di chuyển nhanh ở tốc độ 21,5 kn (39,8 km/h; 24,7 mph), con tàu chỉ đi được 2.390 nmi (4.430 km; 2.750 dặm). Các con tàu mang theo tám máy phát điện diesel, cung cấp tổng công suất điện 2.400 kilowatt ở điện thế 220 volt.[6]

Sachsen và Württemberg được dự định có tốc độ nhanh hơn một knot so với hai chiếc tàu dẫn trước.[9] Württemberg có một hệ thống động lực mạnh hơn, cung cấp công suất 48.000 shp (36.000 kW), cho một tốc độ thiết kế là 22 kn (41 km/h; 25 mph). Trên chiếc Sachsen, một động cơ diesel MAN công suất 12.000 ihp được bố trí trên trục giữa, trong khi các turbine hơi nước dẫn động các trục hai bên mạn; hệ thống động lực phối hợp cung cấp một tổng công suất 42.000 shp (31.000 kW), cho một tốc độ thiết kế là 22,5 kn (41,7 km/h; 25,9 mph).[10]

Vũ khí

Thiết giáp hạm Baden với dàn pháo chính xoay sang mạn trái

Lớp thiết giáp hạm Bayern được trang bị dàn pháo chính bao gồm tám khẩu pháo SK 38 cm (15 in) L/45[Ghi chú 3] trên bốn tháp pháo Drh LC/1913 nòng đôi. Kiểu tháp pháo này có thể xoay 150° sang cả hai hướng so với trục giữa,[11] và các nòng pháo có thể hạ cho đến góc −8°. Do người Đức cho rằng các điều kiện tại Bắc Hải sẽ đưa đến các cuộc giao chiến ở tầm gần, các khẩu pháo thoạt tiên chỉ có thể nâng lên đến góc 16°,[8] cho phép một tầm bắn tối đa 20.400 m (22.300 yd). Các bệ pháo sau này được cải biến cho phép nâng lên đến góc 20°, gia tăng tầm bắn tối đa lên 23.200 m (25.400 yd).[11]

Dàn pháo chính được cung cấp tổng cộng 720 quả đạn pháo, tức 90 quả cho mỗi khẩu.[7] Chúng có tốc độ bắn khoảng 2,5 phát mỗi phút. Các thử nghiệm sau chiến tranh được Hải quân Hoàng gia Anh tiến hành trên chiếc Baden cho thấy chúng sẵn sàng để bắn trở lại chỉ 23 giây sau khi khai hỏa, nhanh hơn đáng kể so với các vũ khí Anh đương thời trang bị trên lớp thiết giáp hạm Queen Elizabeth, vốn mất đến 36 giây giữa hai loạt đạn pháo.[11] Tuy nhiên, loại vũ khí này kém chính xác hơn so với thế hệ pháo Đức trước đó, và bắn ra một đầu đạn pháo nhẹ hơn so với các đối thủ Anh đương thời.[8] Đạn pháo xuyên thép (AP) của Đức nặng 750 kg (1.650 lb) và được đẩy đi bởi liều thuốc phóng RPC/12 nặng 277 kg (611 lb) chứa trong vỏ bằng đồng. Kiểu đạn pháo này có lưu tốc đầu đạn 800 m/s (2.625 ft/s). Mỗi nòng pháo được dự định sẽ bắn 300 quả đạn trước khi cần được thay thế. Các khẩu pháo được chế tạo nhằm dự định trang bị cho Sachsen và Württemberg sau này được sử dụng làm pháo phòng thủ duyên hải tại lãnh thổ PhápBỉ bị chiếm đóng; chúng được đặt tên là Langer Max.[11]

Các con tàu cũng được trang bị dàn pháo hạng hai bao gồm mười sáu khẩu SK 15 cm (5,9 in) L/45 bắn nhanh đặt trên các tháp pháo ụ MPL C/13 nòng đơn hai bên mạn sàn tàu trên.[12] Các khẩu pháo này được dự định để phòng thủ chống lại tàu phóng lôi đối phương, và được cung cấp tổng cộng 2.240 quả đạn pháo. Chúng có thể đối đầu với mục tiêu ở tầm xa 13.500 m (14.800 yd), và sau khi được cải biến vào năm 1915, tầm xa được tăng lên 16.800 m (18.400 yd). Kiểu vũ khí này duy trì được tốc độ bắn 5 đến 7 phát mỗi phút; đầu đạn pháo nặng 45,3 kg (100 lb) và được nạp liều thuốc phóng RPC/12 nặng 13,7 kg (30 lb) chứa trong vỏ bằng đồng. Lưu tốc đầu đạn của loại đạn pháo này là 835 m/s (2.740 ft/s); nòng pháo được dự định sẽ bắn 1.400 quả đạn trước khi cần được thay thế.[12]

Bayern và Baden còn được trang bị một cặp pháo 8,8 cm (3,5 in) L/45 phòng không, vốn được cung cấp 800 quả đạn pháo.[7] Các khẩu này được đặt trên các bệ nòng đơn, cho phép hạ thấp đến −10° và nâng lên đến 70°. Kiểu vũ khí này bắn ra đầu đạn pháo nặng 9 kg (20 lb), và có trần bắn hiệu quả 9.150 m (30.020 ft) ở góc nâng 70°.[13]

Theo thông lệ của các tàu chiến chủ lực vào thời đó, lớp Bayern được trang bị năm ống phóng ngư lôi ngầm 60 cm (24 in), gồm một ống trước mũi và hai ống mỗi bên mạn tàu. Có tổng cộng 20 quả ngư lôi được mang theo, thuộc Kiểu H8, dài 8 mét (26 ft 3 in) và mang theo đầu đạn chứa 210 kg (460 lb) thuốc nổ Hexanite. Kiểu ngư lôi này có tầm hoạt động 6.000 m (6.600 yd) khi cài đặt ở tốc độ 36 kn (67 km/h), và khi giảm tốc độ xuống còn 30 kn (56 km/h), tầm hoạt động được gia tăng đáng kể lên đến 14.000 m (15.000 yd).[14] Tuy nhiên, cả Bayern lẫn Baden đều bị trúng thủy lôi vào năm 1917, những hư hại phải chịu đựng cho thấy sự yếu kém về cấu trúc lườn tàu do trang bị ống phóng ngư lôi ngầm dưới mặt nước, nên cả hai đều được tháo bỏ các ống phóng bên mạn sau đó.[7]

Vỏ giáp

Sơ đồ vỏ giáp bảo vệ của lớp Bayern

Những chiếc trong lớp Bayern được bảo vệ bằng giáp thép Krupp, như là tiêu chuẩn dành cho mọi tàu chiến Đức đương thời. Đai giáp dày 350 mm (14 in) tại vùng thành trì trung tâm, nơi những thành phần thiết yếu nhất của con tàu được bố trí, bao gồm hầm đạn và các khoang động cơ. Độ dày của đai giáp mỏng dần ở những nơi ít quan trọng, còn 200 mm (7,9 in) phía mũi và 170 mm (6,7 in) phía đuôi tàu; bản thân mũi và đuôi tàu hoàn toàn không được vỏ giáp bảo vệ. Một vách ngăn chống ngư lôi dày 50 mm (2,0 in) chạy dọc suốt chiều dài lườn tàu, được đặt cách nhiều mét phía sau đai giáp chính. Sàn bọc thép chính có chiều dày đến 60 mm (2,4 in) ở hầu hết các nơi, được tăng lên 100 mm (3,9 in) tại các khu vực trọng yếu của con tàu.[6]

Tháp chỉ huy phía trước được bảo vệ bằng lớp giáp mạnh; có các mặt hông dày 400 mm (16 in) và nóc dày 170 mm (6,7 in); tháp chỉ huy phía sau được bảo vệ kém hơn đáng kể, với các mặt hông dày 170 mm (6,7 in) và nóc dày 80 mm (3,1 in). Dàn pháo chính cũng được bảo vệ bằng lớp giáp mạnh: dày 350 mm (14 in) ở mặt bên và 200 mm (7,9 in) trên nóc. Các khẩu pháo 15 cm được bảo vệ bởi lớp giáp 170 mm (6,7 in) cho bệ và 80 mm (3,1 in) cho các tấm khiên chắn bảo vệ pháo thủ khỏi mảnh đạn.[6]